Khám phá

Tập quán XHTN Lễ Phang phóng (tạ ơn) của người Kháng

2071

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Trước đây người Kháng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Tuy nhiên, tên gọi chính thức của nhà nước ta đối với cộng đồng này là dân tộc Kháng. Tại tỉnh Điện Biên Người Kháng là một trong những dân tộc ít người (Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009 của Cục thống kê tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng ở tỉnh Điện Biên có: 4.220 người) cư trú thành từng bản, mỗi bản có khoảng 30 đến 90 nóc nhà, sinh sống tập trung ở các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà. Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào làm ruộng, nương rãy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nghề thủ công đan lát phục vụ cho đời sống, trao đổi các vật phẩm cần thiết.

Hiện nay người Kháng tỉnh Điện Biên còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian, phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, tiêu biểu: Phong tục ăn, ở, trong hôn nhân, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhiều  nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: Lễ tra hạt, lễ cơm mới, lễ hội Xên Pang ả, Xên bản…và mỗi dòng họ đều có những quy định, nghi thức, phong tục tập quán độc đáo, hấp dẫn riêng, góp phần tạo nên văn hoá dân tộc Kháng đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Để tổ chức lễ Pang Phoóng trưởng dòng họ Lò Khul chủ động sắm lễ vật, nhờ thầy chọn ngày tốt để làm lễ và họp anh em họ hàng để thông báo ngày giờ làm lễ Pang Phoóng. Đồng thời trưởng dòng họ cũng phân công công việc cho từng thành viên gia đình trong dòng họ, người phụ trách việc cúng lễ, người lo bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bàn thờ, đồ vật trong mâm cúng, người làm rượu cần (hay kha xả)…Từ lúc họp bàn đến ngày tổ chức lễ hội Pang Phoóng, trong dòng họ ai nấy đều náo nức, không khí bận rộn, vui vẻ hiện rõ lên gương mặt mọi người, bao trùm lên cả cộng đồng.

Trước ngày tổ chức lễ Pang Phoóng, trưởng họ sắp một mâm lễ vật để khấn báo tổ tiên về việc làm lễ. Mâm lễ có gà luộc, cơm nếp, chai rượu. Sau đó ông cùng anh em trong họ dọn dẹp nhà cửa, lên rừng lấy cây sung rừng (mắc chắc), hoa mào gà (bảnh cảng hoong só), cây mía rừng (làm mía, mía phan), ống nứa (bẳng om tiếng Xe pang)…để trang trí gian thờ tổ tiên, nơi thờ cúng trong lễ Pang Phoóng.

Theo quan niệm của người Kháng, cây mắc chắc sống ở rừng, nhiều rễ, quanh năm xanh tốt, buộc cây ở bàn thờ tổ tiên là mong muốn tổ tiên phù hộ cho lúa ngô luôn xanh tốt giống như cây mắc chắc. Hoa mào gà thường được người Kháng trồng trên nương lúa. Khi gieo hạt lúa người ta thường gieo luôn một ít hạt hoa mào gà bên rìa nương, lúc hoa mào gà nở cũng là khi người Kháng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa nương. Bên cạnh đó một số người khác lại cho rằng, cây hoa mào gà là cây bảo vệ lúa nương. Trên nương lúa nếu gieo thêm một ít cây hoa mào gà bên cạnh nương, hạt lúa gieo xuống sẽ nảy mầm nhanh và phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Do vậy khi gieo lúa nương người Kháng có tục gieo một chút hạt hoa mào gà ở đầu nương. Khi thu hoạch lúa nương người ta thu hoạch luôn hạt hoa mào gà đem về bảo quản để giữ giống cho năm sau.

Lễ vật còn có khoai lang (quai hók), khoai sọ (quai kho), bí đỏ (Pe ử), bí đao (pe pén), chuối (tỷ), hoa chuối (le đửa), bắp ngô (nung lý), bó rơm (Piếng), quả đu đủ (pe hoỏng), cơm nếp (mả dum), cốm (mả giủn). Đối với người Kháng chết chưa phải là hết, thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt. Người sống ăn gì, uống gì, làm gì thì sau khi mất đi cũng như vậy, xưa kia tổ tiên dùng các loại củ quả, cây này làm lương thực nên khi làm lễ Pang Phoóng đồng bào lấy những thứ nông sản đó để làm lễ vật dâng cúng tổ tiên, là thành quả lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dòng họ Lò Khul dâng lên tổ tiên, thần linh.

Đặc biệt trong lễ vật phải có rượu cần (hay kha xả) - một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Pang Phoóng. Vợ của trưởng họ là người được giao đảm nhận công việc này. Tùy theo lượng người tham dự, khách mời mà trưởng họ phải chuẩn bị số lượng bình rượu cho đủ. Theo lý của người Kháng, trưởng họ phải chuẩn bị được ít nhất ba bình rượu cần: Một bình cho tổ tiên nhà nội, một bình dành cho tổ tiên nhà ngoại và một bình dành cho anh em trong họ.

Ngoài ra trưởng họ còn phải chuẩn bị thêm hai ống hút rượu cần làm bằng ống tre để làm lý cúng tổ tiên. Tất cả các bình rượu, ống hút rượu đều được đặt trong gian thờ tổ tiên trong ngày làm lễ Pang Phoóng. Ngoài ra, trưởng họ còn phải chuẩn bị những cái bẻng chẹp kha - được tạo ra từ một sợi dây lạt đan thành phên như hình chữ A để cho mọi người trong họ đến dự làm lý với tổ tiên, trong họ có bao nhiêu người thì phải làm bấy nhiêu cái bẻng chẹp kha, đồng thời là vật dụng dùng để gạt, vẩy rượu trong lễ mời rượu tổ tiên.

Đúng ngày làm lễ Pang Phoóng, ngoài những lễ vật nói trên được sắp xếp trong gian thờ tổ tiên còn có thêm 3 cái bát (quen đưng), 1 con dao (mạc phạ), 1 con gà sống (diên), 1 con lợn (ẹc), 1 chậu đựng nước (ảng om), 1 can nước để đổ vào các hũ rựợu cần, 1 cái chiêng đồng (lé ma nạ) và 1 đôi chũm chọe (Lé xẻng) đặt trên bàn thờ, đây là những nhạc cụ sẽ được thầy cúng sử dụng trong quá trình làm lễ. Lễ cúng chính bao gồm hai nghi thức: cúng lễ vật sống và cúng lễ vật chín.