Khám phá

Nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Khơ Mú

1828

Không biết từ bao giờ, cộng đồng người Khơ Mú đã thực hành, phát huy các lễ hội truyền thống đó và cùng nhau sáng tạo nên những điệu múa gắn với nghi lễ, gắn với đời sống sinh hoạt mà người Khơ Mú gọi là “tẹ” mang nội dung về sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực của con người trước thiên nhiên; về cuộc sống lao động, sản xuất, vì sự ấm no của mỗi gia đình với cách thể hiện khỏe khoắn, sôi động và lạc quan. Trong đó nổi bật như: múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do), múa đuổi chim... Thông qua các điệu múa, họ gửi gắm niềm tin, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Khơ Mú ở Điện Biên..

 Múa Tăm đao (Tẹ Tăm đao)

Theo tiếng Khơ Mú, "tăm" là đánh, "tẹ" là múa, "tăm đao" là đánh đao (giống như đánh đàn, điều chỉnh nốt nhạc để tạo tiết tấu, âm thanh) còn "tẹ tăm đao" là múa đánh đao (tay đánh đao kết hợp với ngôn ngữ hình thể tạo ra điệu múa đặc trưng của người Khơ Mú).

Múa Tăm đao là điệu múa được dành cho nữ giới, đạo cụ sử dụng là Tăm đao. Nguồn gốc của múa Tăm đao bắt nguồn từ việc người phụ nữ cầm đao để đánh trong quá trình đi nương, đi rừng. Khi quay trở về, trên lưng họ gùi thóc, gùi măng hay các loại rau rừng họ gõ đao tạo ra những âm thanh vui tai để quên đi sự mệt nhọc. Buổi tối trăng lên, người con gái ngồi gõ đao để gọi chàng trai đến. Tiếng đao buồn hay vui được xuất phát từ tâm trạng của người phụ nữ. Những cây đao muốn sử dụng được lâu bền và tạo âm thanh vang và hay thì phải được cất giữ cẩn thận, trước khi dùng người ta mang ngâm vào nước để đao giãn nở cũng như giữ được độ tươi của đao.

Tăm đao thực chất vừa là một loại nhạc cụ dân gian đặc trưng của dân tộc Khơ Mú và cũng là đạo cụ khi múa. Tăm đao được làm từ thân của cây nứa nhỏ - nứa làm đao phải là nứa già vừa đủ  (theo cảm nhận và kinh nghiệm của người Khơ Mú) mới tạo âm thanh vang và hay, có thể là đao to hoặc đao bé (đao mẹ và đao con), đao mẹ sử dụng tạo ra âm thanh chính. Việc sử dụng đao lớn bé khác nhau còn phụ thuộc vào đội hình múa có khă năng sử dụng đao thành thạo hay không, nếu đội hình biết đánh đao tạo âm thanh đồng đều kết hợp những động tác múa thì các đao được lựa chọn để múa là đều nhau; trường hợp đội hình múa sử dụng đao không đồng đều thì có một đao mẹ do một người chính điều khiển đội múa. 

Trong đời sống thường ngày, tăm đao vẫn được phụ nữ Khơ Mú sử dụng khi đi làm nương, đi rừng hoặc tham gia vào nghi lễ cầu mưa, lễ cầu mùa. Khi tham gia các nghi lễ này người phụ nữ di chuyển từ nhà thầy cúng đến nương đồi - vị trí được chọn để thực hiện các nghi lễ, họ vừa đi vừa đánh đao tạo âm thanh vui tai như tiếp thêm niềm vui, sự hứng khởi cho những người tham gia thực hành di sản.

 Múa chọc lỗ tra hạt (Tẹ chư mon)

Do phải sống ở những vùng khó khăn nên việc phát nương làm rẫy tra hạt là công việc chính của họ, câu tục ngữ “người Thái ăn theo nước, người Xá (tức người Khơ Mú) ăn theo lửa” đã minh chứng rất rõ cho điều này.Vào tháng 3, tháng 4 dương lịch hàng năm, người Khơ Mú tiến hành gieo hạt vụ mới.
 Công việc làm nương này cũng có sự phân chia rõ ràng và công bằng, phù hợp với sức lực của từng giới, việc chọc lỗ đòi hỏi nhiều sức lực được dành cho đàn ông, việc tra hạt đòi hỏi sự khéo léo, cần cù được dành cho phụ nữ, chuyện kể lại có người đàn ông chọc lỗ giỏi thì 5 người phụ nữ không tra kịp hạt nhưng ngược lại cũng có người phụ nữ giỏi tra hạt 3 người đàn ông cũng chọc không kịp; sự phối hợp giữa người chọc và tra hạt hết sức linh hoạt ăn khớp để đảm bảo người phụ nữ phải tra vào một lỗ vừa đủ hạt giống để gieo trồng (khoảng 5 đến 6 hạt giống) còn người đàn ông cũng phải chọc lỗ vừa đủ để hạt giống có thể nảy mầm tốt sự nông sâu của lỗ chọc phụ thuộc vào độ phì của từng mảnh nương trồng và tùy từng việc gieo trồng là ngô hay lúa mà họ lựa chọn chọc cho độ sâu phù hợp, công việc này đã trải qua kinh nghiệm được đúc kết hàng trăm năm. Việc chọc lỗ để tra hạt không được tiến hành theo hàng ngang hay hàng dọc hay phải thẳng hàng như việc trồng lúa nước mà việc này phải bắt đầu đi từ tâm (ở đây là lán trông nương của họ- cũng là trung tâm mảnh nương) và gieo ngược chiều kim đồng hồ vì làm như trên sẽ được thuận tay, sau này việc thu hoạch cũng phải tiến hành như trên.

 Sau khi chọc lỗ và tra hạt xong họ không lấy đất để lấp lỗ lại mà việc này được thiên nhiên thực hiện những tàn tro của việc đốt nương trước đó sẽ nhờ gió bay đi khắp nơi và tạo thành lớp màu rất hiệu quả để tạo sự sinh trưởng tốt nhất cho mầm giống.

Chính những hoạt động trong đời sống hàng ngày đã phản ánh vào nghệ thuật múa của người Khơ Mú. Nói cách khác, người Khơ Mú đã sáng tạo các điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển với những động tác diễn tả lại cảnh lao động sản xuất. Do đó điệu múa chọc lỗ tra hạt (Tẹ chư mon) được hình thành và đạo cụ được sử dụng khi múa lại chính là những cây gậy dùng để chọc lỗ tra hạt theo vụ mùa.

Xưa kia, ngày rừng còn nhiều thì gậy chọc lỗ tra hạt là một cây gỗ cứng dài từ 1,8m đến 2m vót nhọn một đầu, sau đó gỗ khan hiếm dần người ta cải tiến cây gậy này thành 3 phần: phần đầu gỗ cứng (có thể bịt sắt cho bền), phần thân bằng tre đực và phần cuối được gắn với các nhạc cụ là những ống trúc, tre, nứa nhỏ, có họa tiết, trong đựng những viên sỏi. Khi chọc lỗ, những viên sỏi lăn qua, lăn lại đập vào ống tre, nứa. Ống tre, nứa, trúc lại đập vào nhau, tạo thành âm thanh trầm, bổng tươi vui, rộn rã, làm tan cái mệt nhọc của sự gắng công trong những buổi gieo hạt. Ngày nay, chiếc gậy chọc lỗ tra hạt được làm một cách đơn giản hơn, phổ biến là gậy bằng gỗ hoặc tre khá cứng chắc và được vót nhọt một đầu để chọc lỗ tra hạt.

Để có mùa màng bội thu, người Khơ Mú thường tổ chức Lễ tra hạt để cầu mong các thần linh phù hộ cho dân bản bắt tay vào vụ mùa mới. Trong lễ hội, vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo hòa cùng nhạc cụ trống, chiêng bao giờ cũng được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Khi điệu múa bắt đầu, đàn ông khỏe mạnh đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ; phụ nữ nối bước đi sau hoặc cũng có khi dàn hàng song song một cặp nam và nữ múa kết hợp. Đây là điệu múa đôi có sự hòa quyện giữa  nam và nữ - tượng trưng cho sự giao hòa giữa âm và dương, giữa đất và trời khiến cho hạt giống nảy mầm, cây cối sinh sôi, phát triển. Động tác múa được thực hiện một cách nhịp nhàng, cả nam và nữ cùng lấy chân phải  làm trụ, chân trái nhấc lên đưa về phía trước nhằm giữ thăng bằng cho cơ thể; tay phải của người đàn ông cầm đầu trên của chiếc gậy, tay trái cầm ở chính giữa và đặt chéo chiếc gậy ở ngang người, đầu dưới của chiếc gậy dùng để dỗ xuống đất. Lúc này chân phải của cả nam và nữ cùng múa nhảy lò cò 03 lần kết hợp với động tác tay - đối với nam thì dỗ đầu dưới của gậy xuống đất (ở bên trái) 03 lần, nữ ở phía sau hoặc có khi dàn hàng ngang bên cạnh người đàn ông, tay phải nắm hạt, tay trái ném hạt xuống lỗ mà người đàn ông vừa chọc. Kết thúc 03 nhịp chọc lỗ tra hạt, đôi nam nữ múa sẽ dừng nghỉ một nhịp rồi đổi bên. Tiếp đến là chân trái nam và nữ làm trụ nhảy lò cò 03 nhịp, tay đưa sang phải để chọc lỗ, tra hạt. Cứ như vậy, nam đi trước chọc lỗ, nữ nối tiếp đi sau tra hạt giống, chân gạt nhẹ như lấp đất, từng cặp nam nữ múa nhịp nhàng, uyển chuyển, hài hòa trong tiếng trống chiêng rộn ràng. Âm thanh của nhạc khí phát ra từ những chiếc gậy như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Sau mỗi mùa vụ trồng lúa nương, cây gậy chọc lỗ này được đặt trang trọng trên gác bếp để gậy thêm cứng, màu thêm bóng và tránh mối mọt.

  Múa sạp (tẹ khiêps)

Tiếng Khơ Mú gọi múa sạp là tẹ mặc khriếp, trong đó tẹ dịch ra là múa, mặc khriếp là sạp. Theo truyền thống trước đây, người Khơ Mú thường thực hành múa sạp trong Lễ cầu mưa hay khi nói đến múa sạp là để cầu mưa. Lễ cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống của đồng bào Khơ Mú. Người Khơ Mú quan niệm rằng sau khi gieo hạt - thường là lúa và ngô, muốn có một vụ mùa năng suất cao phải tổ chức lễ cầu mưa, mong trời cho mưa xuống để cây cối phát triển, mùa màng bội thu. Do vậy tháng 3 âm lịch hàng năm, người Khơ Mú tổ chức Lễ cầu mưa trên một khoảnh nương do dân bản lựa chọn. Nghi lễ được tiến hành từ việc cúng tổ tiên và mời các thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng, thần thổ địa về ăn, về uống, hưởng thụ lễ vật của bà con dân bản. Khi ăn no, uống đủ hãy phù hộ cho bàn con dân bản vụ mới được mùa. Cúng xong Lễ cầu mưa, thầy cúng mời các vị thần linh phù hộ cho dân bản vui hội, múa sạp được vui vẻ đoàn kết. Nhưng tại sao người Khơ Mú lại chọn múa sạp gắn với tín ngưỡng tâm linh, gắn với nghi lễ cầu mưa. Cũng có thể lý giải rằng những cây sạp dùng để múa được làm từ những cây tre bởi người Khơ Mú có cuộc sống dựa vào tự nhiên - chủ yếu khai thác tre, nứa; ngoài các vật dụng sinh hoạt, họ ăn măng rừng là chủ yếu bởi vậy cộng đồng mới tổ chức lễ "xên lẩu nó" - mừng măng mọc. Những cây sạp cũng được xem là biểu tượng cho mùa măng mọc, muốn măng mọc thì phải cầu cho mưa xuống. Do đó múa sạp xuất hiện trong lễ cầu mưa. Hơn nữa, trong múa sạp có sạp cái, sạp con, có nam, có nữ tham gia múa đã hội tụ các yếu tố  âm - dương và sự sinh sôi nảy nở đại diện trong lễ cầu mưa, vì thế con người cầu cho mưa xuống nhằm thỏa mãn mong muốn về một mùa vụ tốt tươi.

Cách múa sạp: Ban đầu múa sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 - 4 cm, dài 3 - 4m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 - 40cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động. Đối với tốp đập sàn, mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con rồi gõ, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa,  thỉnh thoảng người gõ và người múa đồng thanh "hú" nhằm tạo không khí thêm vui tươi, rộn ràng. Đối với tốp múa, lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, có khi người múa chỉ là nữ, họ nắm tay nhau để múa. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập. Đội hình biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn tất cả đều diễn ra trên dàn sạp nhưng vẫn chú ý đúng nhịp và hai chân không bị kẹp khi hai sạp con chập vào nhau. Hai tốp sạp và tốp múa thay nhau  tạo không khí luôn rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng.

 Múa Ong eo - múa lắc eo (tẹ cưn viết guông)

Múa Ong eo (Tẹ cưn viết guông) thường diễn ra vào các dịp lễ tết, hội hè, mừng cơm mới hay khi kết thúc mùa vụ. Múa Ong eo của người Khơ Mú là điệu múa dành cho nữ giới với động tác chủ yếu là lắc hông, uốn lượn eo, xoay dần xuống rồi xoay dần lên một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, mô phỏng các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân. Điệu múa biểu trưng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa. Các cô gái với váy áo thổ cẩm rực rỡ ôm sát cơ thể, nụ cười duyên dáng, nhịp gót chân nhún nhảy rộn ràng, uốn lượn lưng eo tạo nên sự cuốn hút cho người xem. Các động tác múa Ong eo là lắc hông tại chỗ, lắc hông ngồi, lắc hông bước sang ngang, lắc hông di động. Đây là điệu múa đặc trưng nhằm tôn lên vóc dáng và vẻ đẹp của phụ nữ Khơ Mú. Múa Ong eo được sử dụng khá phổ biến và kết hợp với nhiều điệu múa khác như: Tăng bẳng, tăm đao, múa vòng.

Múa Ong eo là điệu múa độc đáo và dễ dàng nhận diện được chủ thể thực hành là người Khơ Mú, nó không thể lẫn với dân tộc khác. Đây cũng là điệu múa được phụ nữ Khơ Mú rất yêu thích thể hiện bởi họ khoe được vóc dáng, trang phục và sự tinh tế của người phụ nữ, không những thế vẻ đẹp và sức thu hút của điệu múa đã mang lại cho người xem những cảm mến và sự lôi cuốn.

 Múa cá lượn (tẹ gănr cạ)

Múa cá lượn (Tẹ gănr cạ) thường được múa trong các dịp lễ hội, ngày vui của gia đình hoặc ngày vui của cộng đồng thôn bản. Đây là điệu múa rất đặc trưng, xuất phát từ hiện thực cuộc sống - khi người Khơ Mú đi bắt cá, ngồi ngắm nhìn những con cá bơi đi, bơi lại giữa làn nước trong veo. Về nhà, người Khơ Mú hình dung ra những động tác đuôi cá, vây cá chuyển động và sáng tác ra điệu múa, đặt tên là cá lượn. Động tác của múa cá lượn chủ yếu được thể hiện qua việc một tay cầm ống tre, chân nhún, nghiêng mình và dùng tay còn lại đưa lướt mềm mại, nhẹ nhàng từ phía trước dọc theo cơ thể đưa tay ra sau rồi đổi bên với động tác tương tự. Âm thanh, nhịp điệu cho múa cá lượn được chủ thể - người thực hành tạo ra từ những ống tre. Tay cầm ống tre dỗ xuống đất 03 nhịp cho tay kia thể hiện động tác cá lượn. Động tác ấy khiến người xem mường tượng ra cảnh những con cá đang lướt mình trong nước, thân đang uốn lượn, nhảy múa tung tăng. Qua đó ta thấy được sự tươi vui, rộn ràng xen lẫn sự dịu dàng, mềm mại, thướt tha được cộng hưởng trong điệu múa cá lượn.

 Múa đuổi chim

Múa đuổi chim là điệu múa có sự kết hợp giữa nam và nữ, đây là điệu múa thường được thực hành trong lễ cầu mùa. Nam và nữ múa xen kẽ, đi theo vòng tròn. Cách thực hiện động tác múa như sau: Chân phải làm trụ, chân trái đưa thẳng về phía trước, tiếp đó chân phải nhảy lên 03 bước kết hợp với 02 bàn tay úp vào nhau, lấy cổ tay làm trụ, đầu ngón tay đặt ngược chiều nhau, xòe hình cánh quạt đặt ở phía trước - ngang đầu người múa. Khi chân phải nhảy lên thì tay phải hướng về phía trước. Ngược lại, khi chân trái làm trụ nhảy lên thì chân phải đưa thẳng về phìa trước, tay ở trên cũng xoay chuyển sang tay trái hướng về phía trước. Âm nhạc hỗ trợ cho điệu múa này là các nhịp trống, chiêng, mỗi động tác múa được thể hiện trong 03 nhịp rồi chuyển động tác hoặc đổi bên.

Ngay từ tên gọi của điệu múa đã nói lên nội dung, ý nghĩa của nó. Từ khát vọng của cộng đồng về lao động cho mùa màng bội thu nên tư duy của con người cũng nghĩ giản đơn là phải ngăn chặn chim muông và các con vật khác, không cho đến phá hoại mùa màng. Cũng từ đó, người Khơ Mú sáng tạo các động tác múa để mô phỏng về hiện thực đời sống, vì thế đã tồn tại điệu múa đuổi chim.

 Múa vòng (Tẹ kưn vong do)

Đây là điệu múa tương đối quen thuộc của rất nhiều dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt tiêu biểu đối với dân tộc Thái. Tuy nhiên, người Khơ Mú cũng sử dụng múa vòng (tức xòe vòng theo tiếng Thái) là một điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Cũng vì hiện nay Xòe vòng trở lên phổ biến với tất cả các dân tộc vùng Tây Bắc cho nên rất khó xác định xòe vòng của người Khơ Mú xuất hiện từ khi nào, bắt nguồn từ sự sáng tạo của người Khơ Mú hay tiếp thu có chọn lọc từ các dân tộc khác. Điều dễ nhận thấy điệu múa này có sức hút và tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng vì điệu múa đơn giản, ai cũng có thể tham gia để  hòa mình vào không khí đầm ấm, tươi vui và khẳng định mình trước vũ trụ và sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc.

Ở lễ hội của người Khơ Mú phần múa vòng luôn là phần cuối cùng của lễ hội, mọi người tay trong tay cùng chung nhịp xòe luôn tạo được nhiều cảm xúc cho những người tham gia.

Múa vòng (Tẹ kưn vong do) được diễn ra trên một khoảng sân rộng, mọi người nắm tay nhau cùng bước theo nhịp xòe, cùng xoay một chiều theo nhịp trống, chiêng. Múa vòng thường di chuyển theo chiều kim đồng hồ - từ trái qua phải. Động tác của múa vòng bắt đầu từ chân trái bước chéo lên, chân phải bước theo, tay đưa lên cao rồi nhún.  Nhịp tiếp theo là chân phải bước xuống, chân trái rút về, tay hạ xuống thấp rồi nhún. Cứ như vậy mọi người nắm chặt tay nhau, đưa bước chân nhịp nhàng và trao cho nhau ánh mắt, nụ cười thân thương, trìu mến như một sự khích lệ, động viên và truyền cho nhau sức mạnh, niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp.