Nguồn gốc di sản
Một số tài liệu ghi chép người Xinh Mun có nguồn gốc từ đất nước Lào di cư sang Việt Nam, chủ yếu định cư ở vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Đồng bào Xinh Mun định cư thành bản với những nét văn hóa độc đáo, họ có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần như các dân tộc thiểu số khác nhưng vẫn có nét riêng để nhận diện văn hóa của đồng bào. Người Xinh Mun thờ cúng tổ tiên hai đời: Bố mẹ và ông bà (ngoài ra cúng mời tổ tiên nói chung). Họ quan niệm mỗi người đều có hồn chính ở trên đầu và nhiều hồn phụ trên cơ thể. Nếu hồn lìa khỏi cơ thể thì con người sẽ chết, biến thành ma. Khi đó một phần hồn lên mường trời, một phần hồn về với tổ tiên, một phần hồn ở tại nơi thờ cúng ở trong nhà - nơi con cháu đang sinh sống. Vì thế việc thờ cúng ma nhà chính là thờ cúng tổ tiên của người Xinh Mun để tổ tiên luôn dõi theo, phù hộ cho con cháu. Việc thờ cúng này không chỉ con trai thờ cúng tổ tiên nội tộc mà cả con gái đã đi lấy chồng cũng phải lập bàn thờ bố mẹ, ông bà của mình - dựng nhà nhỏ/lán thờ riêng ở ngoài vườn nhằm phân biệt việc thờ tổ tiên bên ngoại.
Người Xinh Mun có đời sống dựa vào việc canh tác trên nương là chính, họ tin rằng kết quả sản xuất chủ yếu dựa vào sự quyết định của hồn lúa và thần nương, thần nước. Do vậy họ thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cầu mong các thế lực siêu nhiên phù hộ cho con người sức khỏe, lao động sản xuất được bội thu. Trong đó Lễ mừng cơm mới (Trả pa me) là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Xinh Mun....
Hình thức thể hiện
Công tác chuẩn bị
Trước khi diễn ra Lễ mừng cơm mới, chủ nhà mang lễ vật đến nhờ thầy mo (thầy cúng) hoặc người có uy tín trong bản chọn ngày đẹp để làm Lễ. Mọi người trong gia đình náo nức chuẩn bị lễ vật, lương thực, thực phẩm để dâng cúng thần linh, tổ tiên và mời anh em trong dòng họ, những người bà con thân thiết trong bản tới chia vui.
Các lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng thần linh, tổ tiên trong ngày cúng cơm mới là con gà, con dúi, con dế, con cá, sâu măng, dưa (gồm dưa xanh - quả to giống như dưa Mèo, người Xinh Mun gọi là “pôi” và dưa vàng gọi là “lưm”), bí, mướp, măng, cơm mới (gồm cả cơm cốm và cơm nếp), những bông lúa mới cắt trên nương về lấy một nắm nguyên bông để thay mới bàn thờ, một số lúa nếp vừa đủ độ chín để giã cốm, còn lại là hái lúa chín vàng để lấy gạo nấu cơm/xôi nếp… Những lễ vật này đều liên quan đến nương rẫy hoặc là món ăn truyền thống cổ xưa của tổ tiên người Xinh Mun, phản ánh nền kinh tế của tộc người này ở thời kỳ săn bắt, hái lượm rồi mới chuyển sang gieo trồng chăm sóc cây trồng vật nuôi. Người Xinh Mun quan niệm đây là những thứ mà tổ tiên họ dùng khi xưa nên khi cúng tổ tiên trong lễ mừng cơm mới, họ phải chuẩn bị đầy đủ những lễ vật này thì tổ tiên mới bằng lòng về dự lễ, đồng thời nhắc nhở con cháu không được quên ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất và những người dù đã khuất ở thế giới bên kia nhưng họ vẫn phù hộ, che chở và bảo vệ mùa màng cho con cháu. Cũng có người cho rằng trong một số lễ vật đã nêu trên thì dúi và dế là hai thứ không thể thiếu, bởi người Xinh Mun quan niệm rằng hai con vật đó hay cắn cây giống, hạt giống nếu trong ngày cúng cơm mới mà thiếu thì khi tra hạt giống trên nương chúng sẽ ăn hoặc cắn hết hạt giống, cây lúa nảy mầm không đều hoặc bị nhiều sâu bọ phá hoại.
Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị những thứ để phục vụ cho việc làm lễ, đó là:
- Một ống đựng nước (Bong hót).
- Phên thờ (Ta lé sun yếng).
- Chum rượu cần.
Thành phần tham gia thực hành Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun gồm các thành viên trong gia đình, dòng họ và cả các vị khách: Chủ gia đình (chọm yệng) - người trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng, trong đó ông chủ nhà sẽ thực hiện cúng tổ tiên bên nội - trường hợp gia đình không có người làm cúng thì mời anh em trai trong họ; bà chủ nhà sẽ thực hiện cúng tổ tiên bên ngoại - trường hợp bà chủ nhà không còn thì con gái, cháu gái sẽ làm cúng thay mẹ, thay bà, nếu như không có con gái, cháu gái thì chủ gia đình sẽ làm lễ xin phép không thờ cúng tổ tiên bên ngoại vì không có người nối dõi. Điều này cho thấy người Xinh Mun quy định một cách rõ ràng trong việc thờ cúng tổ tiên nội ngoại - bên nội phải là nam làm cúng còn bên ngoại phải là nữ làm cúng. Chủ gia đình sẽ trực tiếp dọn dẹp bàn thờ tổ tiên; chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên trong nhà dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau chuẩn bị lễ cúng và quyết định mời người tham gia trong lễ Mừng cơm mới của gia đình. Trước đây chỉ có người trong dòng họ mới được mời dự. Ngày nay, đã mở rộng hơn, ngoài những người trong họ hàng, chủ gia đình có thể mời những người thân, quen và khách của gia đình tới dự.
Như vậy, Lễ cúng cơm mới của người Xinh Mun có hai phần, gồm: Cúng tổ tiên bên nội - ở gian thờ trong nhà do ông chủ nhà thực hiện và cúng tổ tiên bên ngoại - ở nhà nhỏ do bà chủ nhà thực hiện. Người Xinh Mun gọi nơi thờ cúng tổ tiên bên ngoại là “iêng họ”. Thực chất đó là một lán nhỏ được dựng bằng tre, theo thời gian khoảng 01 - 02 năm bị hỏng thì chủ nhà lại thay mới. Theo tập tục của người Xinh Mun, “Iêng họ” được dựng khi người con gái về nhà chồng có bố mẹ đẻ mất (chết) thì người con gái sẽ lập nhà nhỏ ở ngoài vườn để thờ cúng. Ngày dựng nhà nhỏ sẽ được chủ nhà xem xét, lựa chọn ngày đẹp; tránh ngày mất, ngày trôn cất của ông/bà, cha/mẹ bên nội, bên ngoại. Khi dựng xong, người con gái sẽ dâng lên nắm cơm nếp và khấn mời cha mẹ, ông bà đã mất hãy về ngụ tại nhà nhỏ “Iêng họ” để con cháu thờ cúng và tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên của người Xinh Mun không lập bát hương, không sử dụng hương mà chỉ khấn mời như một cuộc trò chuyện của chủ nhà với người đã mất. Đồng thời, họ chỉ làm cúng vào dịp Lễ mừng cơm mới – tức 01 năm diễn ra 01 lần.
Quy trình diễn ra Lễ mừng cơm mới
Đến ngày diễn ra Lễ mừng cơm mới, ngay từ sáng sớm (khoảng 05 - 06 giờ sáng) chủ nhà đã lên nương hái lúa về để làm lễ (làm lý). Việc gặt những bông lúa đầu tiên trên nương về làm lý và làm cơm cốm có vai trò quan trọng trong các nghi thức chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới. Người Xinh Mun cho rằng đây là một trong các nghi thức đón hồn lúa trên nương về dự lễ. Thông thường, bà chủ gia đình hoặc những người phụ nữ trong nhà được giao đảm nhiệm công việc này. Do vậy, khi trời sáng họ lặng lẽ đi lên nương lúa, mang theo một cái liềm để cắt và một cái bung để đựng rồi tiến đến khu vực nương lúa nào của gia đình đẹp nhất, năng suất nhất rồi chọn cắt những bông lúa đầu tiên của mùa gặt về cho gia đình, việc làm này cũng đồng nghĩa với ý niệm đi đón hồn lúa về dự lễ. Tới nhà, họ lên bên cầu thang bên phải (phía lên bếp) đưa nắm bông lúa cho chủ nhà, tránh không cầm lúa đi qua cầu thang bên trái - nơi có gian thờ tổ tiên. Bởi người Xinh Mun quan niệm lúa mới chỉ được mang vào nhà khi chính thức thay mới bàn thờ, bày mâm cúng mời tổ tiên về ăn cơm mới. Khi chưa làm nghi lễ này mà cầm lúa mới đi qua gian thờ thì sẽ bị tổ tiên phật ý vì cầm đi qua nơi tổ tiên trú ngụ mà không mời, không báo cáo gì với tổ tiên.
Khi đã lấy được lúa mới về vào sáng sớm, ông chủ nhà trong bộ trang phục màu đen bước vào trong gian Khlọ hóc (gian thờ) báo cáo với tổ tiên ngày hôm nay gia đình sẽ làm Lễ mừng cơm mới.
Song song với việc báo cáo tổ tiên bên nội của ông chủ nhà thì bà chủ nhà cũng ra vườn dọn dẹp gian thờ tổ tiên bên ngoại (nhà nhỏ ở ngoài vườn) ; nếu lán thờ bị mục, hỏng thì bà chủ nhà sẽ thay mới rồi khấn báo với bố mẹ, ông bà và tổ tiên bên ngoại biết hôm nay gia đình làm Lễ mừng cơm mới, mời tổ tiên về dự lễ. Theo tập tục truyền thống của người Xinh Mun, trước khi vào nghi lễ cúng chính thức trong ngày Lễ mừng cơm mới, bao giờ chủ nhà cũng khấn báo cáo xin phép tổ tiên cho gia đình làm Lễ mừng cơm mới, khi đó chủ nhà chỉ cần đặt trước bàn thờ đĩa trầu cau bởi họ quan niệm “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, đồng thời người Xinh Mun trước đây cũng có tục ăn trầu. Do vậy, chủ nhà muốn báo cáo với tổ tiên việc con cháu luôn nhớ về tổ tiên, nhớ về truyền thống văn hóa của dân tộc mình nên có miếng trầu để ngỏ lời báo cáo và xin phép tổ tiên trước khi bước vào nghi lễ chính. Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội đã có tác động tới việc phát huy truyền thống văn hóa, đó là tục ăn trầu của người Xinh Mun đã không còn, đồng thời tục sắp trầu cau mời tổ tiên về dự lễ cũng bị mai một, thay vào đó chủ nhà chỉ cần ngồi khấn báo cáo tổ tiên là được bởi người Xinh Mun quan niệm gian thờ là không gian thiêng, chỉ khi làm cúng thì chủ nhà là người được vào, khi đó tổ tiên cũng biết được gia đình có việc cần xin phép, cần báo cáo để thực hiện.
Sau khi ông chủ nhà khấn báo cáo tổ tiên xong, ông cầm bó chổi được làm từ những cành tre, trúc nhỏ đem xua mạng nhện bám trên tường và dọn dẹp xung quanh gian thờ. Đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa dọn dẹp gian thờ của chủ nhà mà còn thể hiện mong muốn xua đi những cái cũ, những cái không may mắn để đón những điều mới mẻ, may mắn, thuận lợi hơn cho gia đình.
Kết thúc việc quét dọn xung quanh gian thờ, chủ nhà thực hiện thay mới bàn thờ. Ông mang những thứ đã chuẩn bị vào gian thờ, gồm: 01 ống nước bằng tre đem dựng ở góc gian thờ, 01 phên thờ dựng ở dọc gian thờ theo xà ngăn cách giữa các gian nhà. Đầu tiên ông dỡ bỏ những thứ như: Phên thờ, ống nước, nắm bông lúa từ ngày làm lễ năm trước được dắt ở phên thờ cũ đưa ra ngoài, tiếp tục quét màng nhện và rác của gian thờ. Việc dọn dẹp, thay mới bàn thờ tại các gia đình của người Xinh Mun chỉ làm một năm một lần và làm vào đúng dịp gia đình làm Lễ mừng cơm mới.
Tiếp đó, ông chủ nhà tiến hành thay mới ban thờ, ông lấy ống nước/chai nước mới đưa vào dựng ở góc gian thờ, tiếp đến là dựng phên thờ. Phên thờ được dựng cách chai nước (góc gian thờ) chừng 50 cm. Đầu gậy tre buộc gần phên được cắm chốt vào ván gỗ ở sàn nhà, đầu gậy còn lại dựng thẳng đứng lên nóc nhà, chủ nhà buộc nắm bông lúa vào phên (đoạn đan rộng). Chủ nhà vừa làm động tác thay mới bàn thờ vừa lẩm bẩm khấn (nói) với tổ tiên: "Con cháu gia đình nhà …(nêu họ tên chủ nhà) xin thay thế đồ mới cho tổ tiên trong này làm Lễ mừng cơm mới ở gian Khlọ hóc. Gia đình cầu mong cho bố mẹ, tổ tiên về nhận đồ mới, sang năm lại phù hộ cho con cháu gia đình (họ tên chủ nhà) làm ăn phát đạt, mùa mạng bội thu, đến vụ cơm mới sau gia đình lại tiến hành thay thế đồ mới cho bố mẹ và tổ tiên".
Trong buổi sáng của ngày cúng cơm mới của người Xinh Mun dễ dàng nhận thấy sự phân công công việc rất rõ ràng. Ở trong nhà, ông chủ nhà tiến hành nghi thức khấn báo cáo tổ tiên, dọn dẹp gian thờ, thay bàn thờ mới. Ở bên ngoài và khu vực gian bếp, các thành viên trong gia đình chuẩn bị thực phẩm, lễ vật, chế biến thức ăn để chiều bày cơm cúng tổ tiên.
Do vậy, khi ông chủ nhà thay mới bàn thờ tổ tiên xong cũng là lúc gia đình người Xinh Mun nghỉ ngơi và cùng ăn cơm trưa. Đây chỉ là bữa cơm đơn giản như hàng ngày (gồm cơm, rau và một chút thức ăn), chưa được ăn cơm mới. Ăn xong, họ nghỉ ngơi hoặc tiếp tục chuẩn bị những thứ gì còn thiếu cho lễ cúng. Khoảng từ 14h - 17h, các gia đình tiến hành thực hiện các nghi lễ cúng mừng cơm mới. Người Xinh Mun lựa chọn thời gian diễn ra nghi lễ cúng tổ tiên vào buổi chiều vì theo truyền thống, buổi sáng các gia đình đều đi nương, đến ngày cúng cơm mới, các gia đình cũng đi nương từ sáng sớm để lấy lúa mới và có thời gian để chuẩn bị các sản vật, chế biến thức ăn để dâng cúng vào buổi chiều.
Trong Lễ mừng cớm mới của người Xinh Mun như đã nói ở trên, gồm Nghi lễ trong nhà - do ông chủ nhà thực hiện và nghi lễ ngoài nhà (ngoài vườn) - do bà chủ nhà thực hiện. Quy trình thực hiện được bắt đầu từ trong nhà trước.....
Giá trị
Giá trị tiêu biểu
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun đã phát huy những giá trị văn hóa truyền thống: Đó là tục thờ cúng tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Họ luôn biết ơn và tưởng nhớ tới những người có công sinh thành, dưỡng dục con cháu và truyền đạt những tri thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật làm nương theo mùa vụ. Người Xinh Mun đã tích cực, hăng say trong lao động sản xuất để tạo ra sản phẩm lúa gạo - những hạt gạo là tinh hoa của đất trời, mang những giá trị dinh dưỡng để nuôi sống con người. Đến ngày thu hoạch, con cháu dâng lên tổ tiên, mời tổ tiên ăn cơm cơm mới và cầu mong tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng tiếp theo được bội thu.
Thông qua lễ mừng cơm mới còn thể hiện tri thức dân gian về ẩm thực của người Xinh Mun, đồng bào có những món ăn đặc trưng riêng, thể hiện tập quán truyền thống về khai thác tiềm năng có sẵn trong tự nhiên để phục vụ cho đời sống hàng ngày, đó là săn bắt và hái lượm. Các món ăn không quá “sơn hào hải vị” nhưng mang hương vị riêng của người Xinh Mun. Họ ăn măng, sâu măng, bọ măng, con dế, con dúi cùng những nông sản mà họ tự sản xuất được - đó là các món ăn truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, trong bữa cơm thường ngày không dễ gì có được, phải đợi đến mùa gặt lúa nương - thời điểm cúng cơm mới, cũng là thời điểm có được các món ăn mà người Xinh Mun gọi là “đặc sản” để dâng lên tổ tiên và con cháu cùng thụ hưởng.
Lễ mừng cơm mới là dịp để các thành viên gia đình, dòng họ quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một vụ làm ăn vất vả; là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đặc biệt là phát huy được truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt nói chung, của tộc người Xinh Mun nói riêng. Vì thế, các gia đình đều háo hức chờ đón đến ngày mừng cơm mới, con cháu dù bận công việc hay học tập vẫn cố gắng thu xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình. Họ hân hoan gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp và cùng hướng về tương lai tươi sáng với mong muốn cộng đồng người Xinh Mun luôn đoàn kết, gắn bó, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau; con người được khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi.
Hiện trạng
Hiện trạng di sản
Hiện nay Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun được các gia đình duy trì tổ chức hàng năm. Điều này cho thấy di sản có khả năng tồn tại và phát huy giá trị khá tốt bởi đây là phong tục truyền thống, là lối sinh hoạt thường niên của các gia đình nói riêng và cộng đồng người Xinh Mun nói chung.
Người Xinh Mun ở tỉnh Điện Biên có số dân khá khiêm tốn so với các dân tộc khác, chỉ có 06 bản tập trung sống ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông; là dân tộc ít người, có sự giao thoa ảnh hưởng với các dân tộc khác nên văn hóa truyền thống của người Xinh Mun có nguy cơ bị mai một và thất truyền. Vì vậy, hầu hết các lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian người Xinh Mun không còn nhớ và cũng không thực hành. Nét văn hóa độc đáo và dễ nhận diện nhất của người Xinh Mun hiện nay còn tồn tại là Lễ mừng cơm mới. Với tình hình thực tiễn hiện nay thì Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun được cộng đồng thực hành, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị.
Người Xinh Mun có tiếng nói riêng, thuộc ngữ hệ Môn - Khmer nhưng trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa với ngôn ngữ của dân tộc Thái (nhóm ngôn ngữ Tày - Thái). Người Xinh Mun ở Chiềng Sơ hiện nay sử dụng tiếng Thái một cách thông thạo trong sinh hoạt, giao tiếp. Thế hệ trẻ phần lớn đã sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp. Do vậy ngôn ngữ truyền thống của người Xinh Mun trong đời sống nói chung, trong Lễ mừng cơm mới nói riêng đang có nguy cơ bị mai một.
Mặt khác, người Xinh Mun cũng không tạo cho mình loại chữ viết riêng. Do vậy không có tài liệu ghi chép, lưu truyền về truyền thống văn hóa của đồng bào; đặc biệt là không có văn tự chứng minh, truyền dạy cho các thế hệ sau về nội dung, quy trình, ý nghĩa, giá trị của Lễ mừng cơm mới; sẽ rất khó khăn để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được những thay đổi, sự sáng tạo của cộng đồng đối với di sản theo thời gian.
Các bài hát, điệu múa truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt, gắn với nghi lễ của người Xinh Mun hiện nay người dân không thực hành. Qua đó cho thấy đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào còn hạn chế; nghệ thuật trình diễn dân gian của người Xinh Mun đã bị mai một
Về trang phục truyền thống, xưa kia người Xinh Mun cũng có trang phục riêng, đặc biệt là váy, áo của phụ nữ, nhưng hiện giờ, đa phần chuyển sang mặc trang phục của người Thái hoặc người Kinh. Đối với nam giới hiện nay rất ít người còn sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc Xinh Mun.
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun tỉnh Điện Biên là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của gia đình, cộng đồng; thể hiện khát vọng vươn lên của đồng bào trong việc làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, hướng con người đến với những điều tốt đẹp để cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc. Do đó, Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun cần được bảo vệ, gìn giữ.
Biện pháp
Biện pháp bảo vệ
- Lễ mừng cơm mới được cộng đồng người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông duy trì thực hành hàng năm theo truyền thống, Lễ được diễn ra theo mùa vụ - thời điểm thu hoạch lúa nương, vào tháng 8, tháng 9 Dương lịch. Lễ mừng cơm mới được thế hệ trước trao truyền lại cho thế hệ sau, trực tiếp là con cháu trong gia đình thông qua việc các thành viên trong gia đình, mỗi người một việc - họ đều tham gia thực hành các công việc và quy trình của Lễ mừng cơm mới. Trong những ngày này, con cháu nhìn thấy ông bà, cha mẹ tất bật chuẩn bị đồ lễ, thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên là điều kiện để thế hệ con cháu trực tiếp học tập, kế thừa cách thức thực hiện nghi lễ và cảm nhận được giá trị về tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc mình, thành kính tỏ lòng biết ơn tổ tiên, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống văn hóa của người Xinh Mun.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun nói riêng trên các Báo, Đài, cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và các đơn vị thuộc Sở.
- Năm 2009 Lễ mừng cơm mới tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông đã được bảo tồn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.Tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng văn hóa của người Xinh Mun năm 2008, năm 2014 và sẽ tiếp tục kiểm kê, đánh giá thực trạng di sản trong thời gian tới.
- Tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề xuất xây dựng và triển khai Dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tỉnh đã có chủ trương ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy để thực hiện Chương trình này). Đây là căn cứ để các địa phương của tỉnh quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt là tộc người Xinh Mun ở huyện Điện Biên Đông.
- Tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun tỉnh Điện Biên đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm nêu cao vai trò của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi lẽ, khi di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ giúp cộng đồng thêm tự hào về văn hóa truyền thống của mình và nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa đối với việc gìn giữ và phát huy giá trị của lễ Mừng cơm mới.
- Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp tỉnh, Ngày hội văn hóa các dân tộc tại huyện Điện Biên Đông nhằm khuyến khích cộng đồng người Xinh Mun tham gia trình diễn giới thiệu, trích đoạn Lễ mừng cơm mới góp phần tuyên truyền, giới thiệu tới du khách và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
- Chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt tới việc bảo tồn trang phục truyền thống của người Xinh Mun bởi trang phục truyền thống của họ đã bị mai một, có nguy cơ không còn tồn tại trong đời sống của cộng đồng.
- Tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa của người Xinh Mun tại Bảo tàng tỉnh.
- Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Điện Biên Đông tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các Nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng.
- Tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhằm kịp thời tôn vinh vai trò của các nghệ nhân và tạo động lực để các nghệ nhân có thêm nhiều cống hiến trong quá trình truyền dạy, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa nói chung, tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Xinh Mun nói riêng. Hiện nay tỉnh Điện Biên đã có một nghệ nhân ưu tú thuộc dân tộc Xinh Mun - ông Lò Văn Pháng, bản Nà Ly, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Ông là người am hiểu về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Xinh Mun, thường xuyên thực hành và truyền dạy cho con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong cộng đồng hiểu và phát huy những giá trị văn hóa của tộc người Xinh Mun.
Thông tin khác
Những thông tin khác về di sản
Tập tài liệu liên quan