Khám phá

Tri thức dân gian, nghệ thuât trình diễn dân gian Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Điện Biên

1640

Quá trình ra đời, tồn tại của Khèn Mông

  Khèn (tiếng Mông gọi là Khềnh, Kềnh, Kỳ) là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn giỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai.

Người Mông ở các địa phương vẫn kể cho nhau nghe về sự tích ra đời của cây khèn rằng:“Xưa có hai vợ chồng sinh được sáu người con trai, người mẹ mất sớm chỉ còn lại cha. Cha nuôi nấng các con trưởng thành, rồi không bao lâu sau người cha cũng mất. Nhớ thương người cha, các con khóc nhiều đến khản cả cổ, không còn tiếng nữa. Anh cả bảo các em chặt cây tre làm sáo thổi cho cha nghe. Thổi đến ngày thứ ba thì ai nấy đều lả đi, không thổi được nữa! Người em út đem gộp tất cả các cây sáo vào với nhau để thổi cho cha. Khi thổi âm thanh vang lên đủ sáu tiếng như sáu anh em nhớ cha mình. Từ đó cây Khèn ra đời và luôn là bạn tâm tình của người Mông để xua đi sự đau buồn, hay thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc bằng những âm thanh trầm bổng, huyền bí của cây khèn”....

Cách chế tác cây Khèn Mông

Nguyên vật liệu chế tác cây khèn của người Mông ở Điện Biên gồm: Gỗ Pơ mu, vỏ cây đào rừng, kim loại đồng, ống nứa.

Dụng cụ chế tác khèn cơ bản gồm có: 02 con dao mũi nhọn dùng để cắt, gọt, tỉa và khoét lỗ; 01 con dao có lưỡi cong hình lưỡi liềm, có tay cầm hai đầu dùng để bào, gọt thân khèn; 02 đục dùng để khoét thân khèn; đe, búa; 01 dùi sắt dài dùng để thông ống khèn; bộ đồ nấu đồng và khuôn đúc đồng; cục đá mài; kẹp sắt; kéo cắt.

Cây khèn của người Mông được chia thành 2 phần chính: Thân khèn và ống khèn. Trong mỗi bộ phận chính của khèn còn có nhiều chi tiết như: lỗ thổi - hít, dây đai khèn, lỗ tạo âm, lam khèn(lưỡi gà), lỗ chỉnh âm...Vì vậy việc chế tác khèn cũng thực hiện theo từng bộ phận

Chọn gỗ và làm thân khèn

Người Mông thường chọn gỗ Pơ mu để làm thân khèn (Cáng khềnh), loại gỗ này có mùi thơm, dẻo, nhẹ, không cong vênh, nứt gãy và không hút ẩm nên rất bền. Gỗ Pơ mu sau khi được xẻ thành miếng phù hợp, để khô được người làm khèn đẽo thô thành hình thân khèn, tiếp tục được bào gọt xung quanh sao cho bóng, nhẵn. Khi có được thân khèn vừa ý, người làm khèn khéo léo dùng dao tách dọc thân khèn làm hai phần bằng nhau, sau đó dùng các dụng cụ phù hợp khoét hai nửa thân khèn thành lòng máng, xong công đoạn này, hai nửa thân khèn sẽ được ghép lại. Thân khèn được giữ cố định bằng các đai. Lúc này thân khèn hoàn toàn rỗng và được phân chia thành các phần: Ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn. Ống thổi khèn là phần thon nhỏ và dài nhất của thân khèn, phía đầu ống lỗ thổi, thường được bọc một miếng đồng xung quanh vừa có tác dụng trang trí vừa tạo sự chắc bền. Tiếp giáp với ống thổi khèn là phần bầu Khèn. Bầu khèn (tâu khềnh) là đoạn thân khèn phình to hơn các phần khác, trên bầu khèn có khoét sáu lỗ xuyên qua bầu, trong đó có một lỗ lớn và năm lỗ nhỏ, tương ứng với các ống khèn. Hết bộ phận bầu khèn có một đoạn thân khèn thu nhỏ dần, chỉ dài khoảng từ 7- 9cm đó là đuôi khèn (Tớ Khềnh) là phần cuối của thân khèn. ...

 Làm ống khèn

Ống khèn (tý khềnh) làm bằng cây nứa (loại nứa có măng ngọt) được lấy về đem luộc chín sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô mới đem ra dùng. Mỗi cây khèn sẽ có sáu ống khèn (một ống to, năm ống nhỏ) với hình dáng và độ dài khác nhau được gắn xuyên qua các lỗ tương ứng đã khoét sẵn trên bầu khèn, phần xuyên qua phía sau bầu khèn của các ống là bằng nhau, phần chính phía trước bầu khèn sẽ có độ dài khác nhau, gồm các ống (tính theo độ dài tăng dần): Tý lua (là ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống tý ty, ống tý trù, ống tý bồ ca, ống tý trù ca và ống tý bồ (ống dài nhất). Ống to, ngắn nhất, thẳng thường sử dụng một đốt của thân cây nứa to, không có mấu, các ống còn lại nhỏ, dài thường phải sử dụng nhiều đốt nên khi chế tác người Mông thường dùng một cây dùi sắt dài nung hồng trong lửa để dùi xuyên qua các mấu để thân ống rỗng xuyên suốt. Các ống nhỏ được hơ vào lửa cho nóng, mềm, sau đó uốn cong từ từ từng ống sao cho độ cong vừa phải, hợp lý để khi lắp vào bầu khèn, phần ống đuôi các ống phải thẳng, đều, phần trước cong lên tạo dáng mềm mại cho cây khèn.....

Đúc đồng lam khèn (lưỡi gà)

Người Mông ở Điện Biên dùng kim loại đồng để làm lam khèn. Để có được lam khèn tốt, người chế tác phải tự nấu đồng và đúc đồng từ những dạng nguyên liệu thô thành những miếng đồng vừa ý, sau đó được rèn thành những lá đồng mỏng, khi tung nhẹ lá đồng lên không trung nếu thấy lá đồng rung đều, phát ra âm thanh trong sáng, vang dền là có thể cắt dùng làm lam khèn...

5.3. Cách sử dụng khèn (khềnh)

Khèn Mông vừa là một loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, đồng thời cũng là đạo cụ múa. Cách thổi: Tay phải: ngón cái ống to; ngón trỏ ống 2; ngón giữa ống 3; ngón 4 và ngón út giữ cây khèn. Tay trái cũng vậy. Các ngón tùy theo bài để bịt và nhả. Đối với Khèn Mông khi ngón bịt lỗ âm mới kêu, bỏ ngón ra không kêu. Khi thổi, âm thổi ra hít vào đều được, khèn không thổi được những giai điệu nhanh, chỉ thổi tốc độ vừa phải.

 Thổi Khèn đi đôi với các vũ đạo múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Khèn không chỉ múa một người mà có thể có nhiều người múa khèn với nhau với các động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn, phù hợp với giai điệu của khèn. Trong múa khèn của người Mông các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Người múa thể hiện cảm xúc sáng tạo trong say sưa, thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ.

Khèn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh sống của người Mông, tuy vậy, việc học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ lúc tuổi còn rất nhỏ, phải có quá trình rèn luyện để có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài. Người thổi khèn có tài, không chỉ ở chỗ thổi luyến láy, tô điểm nốt nhạc khèn cơ bản mà còn phải biết thổi nhiều điệu khèn khác.

Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, gồm: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt. Múa khèn mô phỏng các bước nhẩy khéo léo của trò chọi gà, các động tác xua đuổi thú dữ, các hành động chống lại sự xâm chiếm của các tộc người khác, với nhiều động tác khỏe mạnh, đẹp mắt. Hình thức tạo hình trong múa khèn luôn chuyển động thành nhiều tư thế đẹp, cân đối và vững chắc, có thể trọng lượng dồn lên hai chân hoặc một chân song động tác luôn luôn mở thể hiện sức mạnh, tài khéo léo của các chàng trai.....