Khám phá

Nghệ thuật múa cùa người Lào

808

Ở Điện Biên, dân tộc Lào sinh sống sinh sống tập trung ở hai huyện: Điện Biên gồm các xã: Pa Thơm, Núa Ngam, Mường Nhà, Phu Luông, Mường Lói và huyện Điện Biên Đông ở các xã: Mường Luân, Pú Hồng, Chiềng Sơ, Tìa Dình, với dân số 5.152 người (theo báo cáo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Điện Biên tại Công văn số 2307/UBND-TH ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh Điện Biên).

Nghệ thuật múa của người Lào có từ xa xưa, được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong Nhân dân. Ban đầu các động tác múa chỉ đơn giản là nhiều người đi theo hướng vòng tròn, qua thời gian dài các bài múa, động tác múa được hình thành nhiều động tác cụ thể như: uốn tay, vẫy tay, nhún chân.. và tồn tại cho đến ngày nay, được cải tiến dần cho phù hợp với điều kiện sống từng thời kỳ. Trong đó điệu múa Lăm Vông là điệu múa sơ khai, cổ xưa nhất trong các điệu múa của người Lào. Nhìn chung mỗi điệu múa của người Lào chứa đựng những nội dung khác nhau nhưng đều vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống, trên cơ sở nội dung và đạo cụ người dân sẽ đặt tên cho từng điệu múa. Trước đây người lào thổi Khèn bè, dùng các nhạc cụ: chũm chọe, chiêng, trống…làm nhạc đệm để múa, ngày nay do thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa nên người Lào chủ yếu sử dụng các loại nhạc hòa âm, phối khí để múa.

- Múa Lăm Vông (Xe Lăm Vông): Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn, khi di chuyển sẽ theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ tuổi lên 3 lên 5.

- Múa hoa Chăm Pa (Xe Póc Chăm Pa): Là điệu múa có thể múa đôi, múa tập thể, dành cho nữ hoặc kết hợp cả nam và nữ, đây là điệu múa thường được sử dụng trong các dịp lễ tết, ngày vui của người Lào như: Lễ hội té nước (Bun Huột Nặm), lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu Hó)...khi múa các cô gái Lào sẽ búi tóc cao trên đỉnh đầu và cài hoa Chăm Pa hay còn giọi là hoa Đại - Loài hoa có màu trắng tinh khiết, hương thơm thanh nhã, tượng trưng cho nhà Phật, biểu hiện cho tính cách đôn hậu, hiền hòa, làm say đắm lòng người. Khác với múa Lăm Vông là chuyển động theo vòng tròn thì múa hoa Chăm Pa không quy định phải theo vòng tròn mà có thể múa tự do hơn, hướng múa cao thấp, trước sau khác nhau khiến đội hình thêm phong phú, sinh động. Các động tác khi múa chủ yếu là uốn cổ tay, chân cứ ba bước tiến, một bước lùi. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.

- Múa Xên bản (Xe Căm bản): Là điệu múa được trình diễn hàng năm trong lễ Xên bản của người Lào. Đây là điệu múa được diễn ra ở nơi rừng thiêng, địa điểm làm nghi thức cúng bản. Trong khi chờ sắp các lễ vật để dâng cúng tổ tiên, thần linh mọi người già trẻ, gái, trai trong bản sẽ tổ chức đánh trống, chiêng, múa, hát nhằm tưởng nhớ cội nguồn, mời gọi tổ tiên, thần linh về dự lễ, vui cùng dân bản và chúc tụng, ca ngợi thần linh, cầu mong thần linh, tổ tiên mang đến may mắn, sự bình yên, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân bản. Động tác múa chủ đạo nam, nữ đều có bước chân cơ bản là bước nhún tiến lên phía trước theo vòng tròn, tuyến hàng dọc, hàng ngang. Hai cổ tay uốn lên, vuốt xuống tượng trưng cho trời, đất, để cầu xin thần linh mong muốn bình an, ấm no đến với bản, làng. Với âm thanh rộn vang của trống, chiêng, những lời hát mượt mà, điệu múa uyển chuyển…đã hòa quyện với nhau tạo không khí linh thiêng cho buổi lễ.

- Múa mừng nhà mới (Xe Hươn Mớ): Khi dựng nhà xong, người Lào sẽ tổ chức lễ mừng nhà mới, trước là để báo cáo, cảm tạ tổ tiên đã che chở sau là để cảm ơn mọi người trong bản đã góp công, góp của giúp gia chủ dựng được ngôi nhà mới. Với họ thời điểm đẹp nhất để làm lễ là dịp cuối năm khoảng giữa tháng 12 âm lịch. Sau khi làm các nghi thức để báo cáo, cảm tạ tổ tiên, gia chủ và nhân dân trong bản sẽ tổ chức liên hoan, múa hát để chia sẻ niềm vui cùng gia chủ khi dựng xong ngôi nhà mới to đẹp, đồng thời cầu mong gia chủ khi sinh sống trong ngôi nhà mới sẽ gặp nhiều may mắn, khấm khá, bình an. Khi múa hát mọi người xếp thành hàng dọc, hàng ngang nối nhau hay tạo thành một vòng tròn đi quanh nhà, với các động tác như múa Lăm Vông, tạo không khí vui vẻ, hân hoan, thể hiện sự đoàn kết, tính nhân văn, tinh thần gắn bó cộng đồng và mang đậm bản sắc dân tộc.

- Múa Khèn Bè (Xe Khen): Là điệu múa có sự kết hợp giữa nam và nữ, có múa đôi hoặc múa tập thể, với đạo cụ là chiếc khèn bè truyền thống của dân tộc Lào. Thường được múa trong các cuộc vui, hội hè của bản. Động tác của nữ cơ bản như múa Lăm Vông nhưng có thể di chuyển thành hàng ngang, dọc, vòng tròn, kết hợp biểu diễn nhiều động tác mềm mại, uốn lượn của ngón tay, bàn tay, cánh tay, vai, cổ, đầu, bàn chân cho đến ánh mắt, nụ cười, nét mặt theo tiếng nhạc. Nam giới tay cầm Khèn múa quanh bạn nữ, mang tính vui nhộn, hóm hỉnh, ngẫu hứng, phóng khoáng, thể hiện sự khéo léo, tài hoa với nhiều yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật cao, vừa thổi khèn vừa múa không được để khèn ngắt quãng.

- Múa kéo sợi (Xe Pắn Phải): Là điệu múa dành cho nữ, có thể múa đơn, múa đôi, múa tập thể, vì thế tính chất của điệu múa rất mềm mại, nhịp nhàng, nữ tính. Các động tác cơ bản như phủi áo, vuốt chỉ, hai tay ngón trỏ và ngón cái chắp vào nhau, các ngón khác căng ra. Hai tay từ bên cạnh vuốt vào trước bụng hoặc vuốt lên cao, mặc dù đã được cách điệu hoá nhưng đều rất gần với đời thực, tựa như hành động vuốt chỉ của người phụ nữ, chân thì mỗi bước đi đầu gối lại nhún mềm, đội hình di chuyển có thể hình cánh cung, hình tròn, ngang, dọc... Đây là điệu múa mô phỏng về quá trình dệt vải, công việc gần như thường ngày của người phụ nữ dân tộc Lào, do đó từ âm nhạc, lời ca, điệu múa đã phản ánh về môi trường, công cụ, phương thức lao động, góp phần cổ vũ tinh thần lao động thêm hăng say, mặt khác có ý nghĩa, giá trị trong sáng tạo nghệ thuật, phục vụ đời sống xã hội ở cộng đồng dân tộc Lào.

- Múa làm nương (Xe Nằm Hay): Lao động là bản năng tồn tại vốn có của con người, con người sinh ra và trưởng thành đều phải lao động để tồn tại và phát triển. Từ thực tiễn đó, con người đã phát triển tư duy thẩm mỹ, cảm hứng sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đồng thời quá trình lao động của con người đòi hỏi phải có vui chơi, giải trí nhằm thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của con người để cân bằng sinh thái, để lao động tốt hơn. Từ hoạt động sản xuất người Lào đã sáng tạo ra những động tác múa có tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp, bản sắc vùng cao, phản ánh mối quan hệ với thiên nhiên (đất, trời, mưa, nắng…), tập quán canh tác, đồng thời thể hiện nguyện vọng, ước mong về những vụ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no thanh bình. Đây là điệu múa tập thể kết hợp cả nam và nữ hoặc có thể là nữ, trên cơ sở nền tảng các động tác của múa Lăm Vông, nghệ nhân sẽ cải biên, cách điệu thành các động tác như: Phát nương, làm cỏ, cắt lúa..., động tác cơ bản là hai tay vuốt, uốn cổ tay vào phía trong người, đồng thời uốn vuốt bàn tay sang hai bên. Đội hình di chuyển có thể hàng ngang, hàng dọc, hình tròn, cánh chéo... Điệu múa làm nương thể hiện cho sự hài hòa giữa nam và nữ, sự kết hợp giữa âm và dương, điệu múa mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.