Khám phá

Nghề rèn của người Mông

915

Xuất phát từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nương rẫy, canh tác trên đất khô, phải sử dụng đến công cụ có độ sắc bén, có khả năng cắt đứt các rễ cây, cỏ dại, chính vì vậy mà nghề rèn (tiếng Mông gọi là Tâu Lâu) của người Mông đã có từ rất sớm, trong quá trình rèn sản phẩm người Mông đã tự trau dồi, tích lũy để tạo nên nghề rèn ngày càng tinh xảo. Về nguồn gốc nghề rèn của người Mông những người cao niên nhất ở các bản đều không thể biết được nó có tự bao giờ. Con trai Mông chỉ biết rằng khi sinh ra đã có nghề rèn. Đời này sang đời khác người ta cần con dao để đi rừng, cái cuốc, cái cào để đào rẫy nên phải có nghề rèn. Một số nhà nghiên cứu văn hóa nhận định nghề rèn của người Mông đã có từ hàng trăm năm nay. Ở một số vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng có truyền thuyết kể lại rằng; ngày xưa, khi con người chưa biết cách tạo ra các công cụ bằng sắt, ông trời đã ban cho con người một miếng sắt (hình dạng giống như cài rìu) và dạy cách dùng miếng sắt đó để chặt cây gỗ lớn để chế tác ra lò rèn. Cây gỗ đem về khoét rỗng bên trong, dùng lông gà và các vật liệu để tạo ra bễ thổi gió. Từ đó, bằng sự khéo léo và thông minh người Mông biết tạo ra các dụng như dao quắm, dap phát, rìu, búa bổ,... để phục vụ lao động, sản xuất và nghề rèn được lưu truyền qua nhiều thế hệ trở thành nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Chuẩn bị công cụ và nguyên liệu thực hiện

Nghề rèn với kỹ thuật rèn khá nổi tiếng trong bản, làng của người Mông. Đề chuẩn bị cho một dịp rèn đúc mỗi gia đình người Mông phải chuẩn bị công cụ để thực hiện bao gồm: lò rèn (Quov lwj - Quó lừ) (lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ cần đắp một ụ đất hoặc kê hai hàng gạch để có thể đốt than) đặt ở một nhà rèn riêng hoặc có thể đặt trước hiên nhà; bễ thổi gió (Tau xúp); búa (loại to, vừa và nhỏ), kìm kẹp sắt (ciaj - chìa), đá mài (zeb hu - Để hu hoặc “Đê hu”, “Dê hu”); một cái đe sắt (thaiv - Thái); chậu đựng nước và một thân cây chuối tươi mới chặt.

Bước cắt sắt, thép

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ công cụ và chọn được vật liệu chuẩn người thợ sẽ đem đi cắt sắt thép trước khi đưa vào lò nung để rèn công cụ, một thanh nhíp ô tô thường có khối lớn, không rèn dao ngay được mà phải qua quá trình xử lý. Tùy vào từng loại nông cụ mà cắt kích cỡ cho phù hợp. Để cắt được người thợ sẽ lấy một con dao (thường là dao phát) to, lưỡi dầy đã qua sử dụng, hoặc rèn riêng để cắt sắt, khi đã có được dụng cụ cắt, người ta sẽ nung thanh sắt định cắt đó cho thật đỏ rồi lấy ra cắt, vừa cắt người thợ vừa nhúng lưỡi dao cắt đó vào chậu nước cho đủ độ cứng thì mới cắt được thanh sắt đó thành một miếng nhỏ theo hình dáng ban đầu nông cụ định rèn.

Rèn công cụ

Đây khâu quan trọng, quyết định hình dáng, chất lượng của sản phẩm. Để rèn được một nông cụ nhanh và đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi, đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất. Người Mông quan niệm hình dáng nông cụ không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt của nông cụ thì chỉ rèn một lần. Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Quan trọng phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Khi con dao được rèn xong phải có độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người thợ rèn.

Tôi công cụ

Sau khi mài thô, làm nhẵn, sản phẩm sẽ được mài bóng trên đá mài, rồi mang tôi. Bước Tôi công cụ rất quan trọng, đây là công đoạn đánh giá chất lượng dao và tay nghề của người thợ; người thợ được Thần Sắt và các chư vị thần linh phù hộ hay không. Đây cũng được coi là bí quyết làm nên sự khác biệt về chất lượng sản phẩm nghề rèn của người Mông với các sản phẩm nghề rèn của các dân tộc khác. Người Mông có một “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng, kỹ thuật nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Mỗi vùng, miền, dân tộc có cách tôi dao khác nhau, đối với đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên người thợ rèn sẽ tôi bằng nước muối, bằng dầu nhớt hoặc bằng thân cây chuối tươi, có loại sắt tôi bằng nước muối vừa phải, có loại tôi bằng nước vắt ra từ thân cây chuối và cũng có loại tôi bằng dầu nhớt. Quan trọng nhất là nhìn màu thép khi tôi. Nước tôi màu hồng là non, màu đỏ là già. Khi đã làm nguội thì màu xanh hoặc tím là non, màu vàng là vừa, màu trắng bạc là già. Người thợ phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi.

Mài hoàn thiện và tra cán cho công cụ

Sau khi tôi song người thợ cả tiếp tục mài hoàn thiện cho sản phẩm, đây là công đoạn khá quan trọng, để mài được một nông cụ sắc bén đòi hỏi người thợ rèn phải có kỹ thuật mài sản phẩm. Trước tiên, người thợ không mài vào lưỡi ngay mà phải mài từ ngoài bằng đá thô vào trong phần lưỡi, khi lưỡi mỏng người thợ mới mài phần lưỡi bằng đá mịn. Trong lúc mài phải chú ý đổ nước liên tục tránh mài bằng đá khô hay ít nước, vì mài như vậy lưỡi dao sẽ nóng lên ảnh hưởng đến độ sắc của lưỡi.

Làm vỏ (bao) cho sản phẩm

Sau tất cả các công đoạn, công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm là làm bao dao, bao được làm bằng gỗ pơ mu, gỗ từ cây Đông Thìa hoặc các loại gỗ ít mắt. Theo người Mông cách chọn gỗ để làm bao dao rất quan trọng và được lựa chọn kỹ lưỡng từ loại gỗ, đến tuổi thọ của gỗ (thường chọn những cây gỗ không già quá cũng không được non quá) như vậy mới đảm bảo được độ bền của bao dao. Bao dao được làm để thuận tiện cho việc sử dụng, người Mông thường làm bao dao bao bọc bên ngoài, vừa để tiện vận chuyển, vừa để bảo vệ lưỡi dao tránh va đập vào vật cứng khác cũng như tránh lưỡi dao gây sát thương tới người.