Khám phá

Nghệ thuật làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì.

983

Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ, che thân, giữ ấm cơ thể và làm đẹp, sự cảm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, bản làng, bằng những tri thức dân gian đặc sắc  người Hà Nhì đã sáng tạo, truyền dậy cho con cháu của mình tạo ra những bộ trang phục truyền thống phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, điều kiện, đời sống sinh hoạt của con người và gửi gắm vào trang phục truyền thống của dân tộc mình các hoạ tiết hoa văn những ý niệm tín ngưỡng dân gian về thế giới thần linh, trong cuộc sống, lao động thường ngày, mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử...của người Hà Nhì; qua đó góp phần nhân lên niềm tin yêu, lạc quan trong cuộc sống vốn vô cùng vất vả mưu sinh của đồng bào vùng cao.

Hàng trăm năm qua bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn được gìn giữ, chắt lọc và trao truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay đã trở thành những kinh nghiệm, tri thức dân gian bản địa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Hà Nhì trong bối cảnh hội nhập phát triển hiện nay.

- Nguyên liệu làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì

Nguyên liệu làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì trước đây

Bởi tập quán nhiều đời sống ở vùng núi cao, tương đối cách trở cho nên từ xưa, người Hà Nhì đã phát triển nghề trồng bông, dệt vải và làm trang phục.

Trước đây để có một tấm vải may trang phục, phụ nữ Hà Nhì phải trải qua một quá trình lao động miệt mài với nhiều công đoạn như: Trồng bông, thu hoạch bông, sơ chế bông, cán bông, bật bông, quấn con bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, sau đó mới thực hiện cắt, khâu, thêu, ghép trang phục…mỗi công đoạn đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật mới có thể làm tốt được.

 Công việc trồng, thu hoạch, sơ chế bông: Do hoạt động kinh tế của người Hà Nhì chủ yếu là nông nghiệp, canh tác tại các chân ruộng bậc thang và trên nương. Ngoài trồng lương thực, hoa màu phục vụ cho đời sống, người Hà Nhì còn trồng bông, chàm để phục vụ cho việc làm vải, chăn, quần áo...

Để phục vụ cho nhu cầu tự túc vải mặc các gia đình người Hà Nhì đều trồng bông, khoảng nương có thể gieo ít nhất 15 -16 kg hạt bông, những nhà đông người hoặc giàu có có thể gieo đến vài tạ hạt bông; đặc biệt con gái 11-12 tuổi đã biết trồng bông để quay xa, kéo sợi dệt vải.

Muốn bông đạt năng suất cao phải trồng ở những nương rừng già hoặc rừng cỏ tranh vào tháng 4-5 sau khi chuẩn bị đất xong người Hà Nhì sẽ gieo vãi hạt, khoảng tháng 8-9 bông chín, mọi người bắt đầu thu hoạch. Nếu việc gieo bông, làm cỏ bông nam giới có thể giúp chị em thì việc thu hoạch bông lại là việc riêng của phụ nữ vì ngay trong lúc thu bông, chị em bằng trải nghiệm của mình sẽ phân loại và chọn giống bông luôn.

Sau khi bông hái về, phơi khô, người Hà Nhì sẽ thực hiện cán bông, bật bông, quấn con bông, đây là công đoạn đầu tiên trong quá trình làm vải.

Nguyên liệu làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì hiện nay

Ngày nay do việc đi lại và giao lưu kinh tế diễn ra tương đối thuận lợi, nhất là hàng hóa, vải vóc, quần áo không còn là mặt hàng khan hiếm, bên cạnh đó việc làm ra vải phải trải qua nhiều quy trình, tốn nhiều thời gian, công sức...nên nghề trồng bông, dệt vải của người Hà Nhì đã không còn phổ biến, đóng vai trò chủ đạo trong đời sống như trước đây, vì vậy hiện nay chất liệu vải để người Hà Nhì may trang phục cũng có sự thay đổi, phần lớn phụ nữ Hà Nhì đã mua vải dệt công nghiệp (vải sợi hoặc vải láng màu đen) bán sẵn ngoài thị trường để may trang phục.

Mặc dù chất liệu vải để làm trang phục đã có sự thay đổi song về kỹ thuật cắt, khâu, kiểu dáng, màu sắc, kỹ thuật thêu, chắp, ghép vải...trên trang phục của người Hà Nhì vẫn giữ được nét truyền thống vốn có từ xa xưa của dân tộc.

Quy trình tạo ra bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì

 Để tạo ra một bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì khá công phu, mất nhiều thời gian, công sức, nhất là bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ đều được làm thủ công. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi phải biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục từ đo, cắt, khâu, thêu, chắp nối các mảnh vải lại với nhau để tạo thành từng bộ phận, chi tiết như: Thêu viền cổ, viền nách, tà áo, vạt áo; đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc trang trí, ghép, nối các mảnh vải màu trên ống tay áo và gắn, đính các hạt kim loại phía trước ngực áo...sau đó mới chắp ghép may thành 01 chiếc áo hoàn chỉnh.